Sáng nay ngày 16/5/2024 tại trụ sở 141 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội, Tổng công ty 36 – CTCP (mã CK: G36) đã long trọng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tham dự Đại hội có 79 cổ đông đại diện cho 9.167 cổ đông của Tổng công ty.
Đại hội lần này là dịp để Tổng công ty 36 – CTCP đánh giá lại toàn diện kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2023 đề ra những chủ trương, chỉ tiêu, giải pháp, kế hoạch và những bước đi tiếp theo trong năm 2024. Đại hội đã nghe và biểu quyết thông qua các nội dung do Hội đồng quản trị, Ban điều hành báo cáo như: Kết quả hoạt động của HĐQT năm 2023 và định hướng năm 2024; Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 và Kế hoạch SXKD năm 2024; Báo cáo của thành viên độc lập HĐQT trong Uỷ ban Kiểm toán năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán; Tờ trình thực hiện các chỉ tiêu SXKD năm 2023 và phương án phân phối lợi nhuận; Tờ trình việc quyết toán thù lao HĐQT, tiền lương người quản lý năm 2023 và phương án chi trả thù lao HĐQT năm 2024; Tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm tài chính năm 2024.
Đại hội đã đánh giá một cách toàn diện và khách quan về năm 2023 vừa qua. Tình hình bất ổn trên thế giới: chiến tranh giữa Nga và U-crai-na, nội chiến ở Sudan, xung đột đẫm máu trên dải Gaza, cạnh tranh chiến lược chính trị giữa các nước lớn… dẫn đến những khó khăn chung của nền kinh tế thị trường; thiên tai, dịch bệnh để lại những hệ lụy không thể tính đếm được, kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao. Trong nước cũng vậy, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều nghành nghề rơi vào khủng hoảng, trông chờ vào các biện pháp giải cứu của Nhà nước, trong đó ngành nghề thi công xây lắp thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, biến động giá cả vật liệu quá lớn nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý; đơn giá thi công xây lắp của Nhà nước quá thấp, không theo kịp tốc độ tăng giá của vật tư, thiết bị; hành lang pháp lý còn nhiều bất cập; bị nợ đọng… nên hoạt động thi công xây lắp hiện nay hầu như không có lãi, khiến các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang tàn lụi dần. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng lớn phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư; dừng đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng tăng vốn; dừng IPO; cắt giảm nhân sự… thậm chí nhiều doanh nghiệp còn vướng vào lao lý, lao đao bên bờ vực giải thể. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán lao dốc, giá vàng tăng đột biến, lãnh đạo nhiều công ty bất động sản vi phạm pháp luật, ngân hàng thắt chặt việc cho vay đầu tư bất động sản… nên thị trường bất động sản gần như đóng băng, các dự án bán hàng chậm, tính thanh khoản thấp.
Với hoạt động đầu tư BOT: Dự án BOT Quốc lộ 19 của Tổng công ty thua lỗ bởi tai nạn chính sách, do Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa sử dụng dịch vụ đường bộ thấp hơn rất nhiều phương án tài chính cũng như Phụ lục Hợp đồng BOT mà Bộ Giao thông vận tải đã ký với Tổng công ty 36. Theo điều khoản Phụ lục Hợp đồng BOT số 01, mỗi năm tăng giá thu phí 03%, ba năm tăng giá một lần tương đương 09%. Tuy nhiên, Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông Vận tải lại quy định biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt là trái ngược với với mức tăng giá trong Phụ lục hợp đồng đã ký kết, là vỡ phương án tài chính và Tổng công ty 36 đã phải bù lỗ gần 300 tỷ đồng cho dự án này trong những năm qua. Tất cả những yếu tố trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty 36 – CTCP.
Tuy nhiên những năm qua nói chung và năm 2023 nói riêng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của HĐQT, Ban điều hành sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, nhân viên, người lao động trong TCT, hoạt động SXKD của TCT36 vẫn đứng vững trước vô vàn khó khăn, thách thức. Đó là một điều đáng được ghi nhận, khích lệ. Năm 2023 ghi nhận doanh thu 1.408 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân 10.898.000 đồng/người/tháng.
Theo dự báo, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, nhất là đối với ngành xây dựng và bất động sản. Số liệu của Cục Quản lý đăng ký Kinh doanh thuộc Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động (tăng 20,5% so với năm 2022), trong đó có 4.991 doanh nghiệp bất động sản (tăng 47,4%, so với năm 2022). Tổng cục thống kê cũng dự báo năm 2024 còn khó khăn hơn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có thể tăng lên đến hơn 178.000 doanh nghiệp. Ngành thi công xây lắp tiếp tục đối mặt với thách thức bởi báo cáo về xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý 1 và dự báo quý 2/2024 của Tổng cục thống kê theo điều tra mới đây cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp xây dựng quý 1/2024 khó khăn hơn quý 4/2023 với tỉ lệ 42,2% doanh nghiệp nhận định như vậy.
Trong bối cảnh đó, phương hướng kế hoạch SXKD năm 2024, đại hội thống nhất đặt kế hoạch với giá trị sản xuất đạt 1.975 tỉ đồng tăng 28,18 % so với thực hiện năm 2023; Doanh thu đạt 1.836,7 tỷ đồng, tăng 30,4 % so với thực hiện năm 2023, thu nhập bình quân dự kiến 12.260.000 đồng/người/tháng. Đại hội cũng xác định dự kiến tiếp tục phải bù lỗ cho dự án BOT Quốc lộ 19. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ cơ chế chính sách và giải quyết các tồn động của dự án này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như có thêm nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Các báo cáo, tờ trình được Đại hội thông qua với sự biểu quyết nhất trí cao của các cổ đông đã thể hiện sự tin tưởng của các cổ đông, sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, nhân viên, người lao động Tổng công ty 36 – CTCP. Tin rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Tổng công ty 36 – CTCP sẽ khắc phục được mọi khó khăn, phát triển bền vững, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 đã đề ra./.